Bạn mới bắt đầu nuôi hamster và đang loay hoay không biết cần chuẩn bị những gì cho bé? Là một người từng mắc không ít sai lầm khi mua phụ kiện nuôi, mình hiểu rất rõ cảm giác hoang mang khi mới “chập chững” làm sen cho hamster.
Trong bài viết này, Nuôi Hamster sẽ chia sẻ bộ combo dụng cụ nuôi hamster cơ bản từ kinh nghiệm của bản thân, giúp bạn không bị mắc phải sai lầm như mình, đồng thời tạo một môi trường sống an toàn, đầy đủ và hạnh phúc cho bé yêu của mình.
Lồng nuôi hamster chuẩn kích thước
Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà người mới nuôi hamster thường mắc phải là chọn lồng quá nhỏ, thường là các loại lồng bán sẵn trong cửa hàng thú cưng với diện tích chỉ khoảng 30x20cm. Nhìn thì có vẻ vừa vặn, nhưng thực tế lại gây stress trầm trọng cho hamster, đặc biệt là các giống ưa hoạt động như Robo hoặc Campbell.
Theo mình tìm hiểu từ Hamster Society Singapore và nhiều nguồn thông tin khác, diện tích tối thiểu cho một bé hamster là thường là 50x100cm trở lên. Dưới đây là những loại lồng nuôi phù hợp với hamster
- Bể cá acrylic hoặc kính: Dễ vệ sinh, quan sát bé dễ dàng, tùy chỉnh được.
- Chuồng lưới thép: Thoáng khí, mát mẻ, giúp hamster vận động tốt hơn.
- Thùng nhựa lớn: Chi phí rẻ, không gian rộng, dễ làm tại nhà.
- Chuồng gỗ: Vừa đẹp, vừa tự nhiên, giúp giữ nhiệt tốt nhưng cần kiểm tra định kỳ.
Lưu ý: Bạn nên tránh các lồng tầng nhiều ống nhựa nhỏ vì không thông thoáng, dễ bốc mùi, khó vệ sinh và dễ khiến hamster bị tổn thương chân.

Lót chuồng phù hợp cho hamster
Các bé Hamster rất thích đào hang, vì vậy nếu được bạn nên chất lót phải đủ sâu cỡ 10 cm để bé có thể đào bới thoải mái. Việc này sẽ giúp lồng bớt mùi hôi vì chất lỏng sẽ được hút nhanh chóng vào lớp lót khô và hamster giảm stress, giúp cải thiện chất lượng sống của bé.
Những loại lót chuồng không an toàn:
- Chất lót nặng mùi thơm
- Lót chỉ là viên pellets
- Bông cotton
- Mùn cưa gỗ thông, gỗ tuyết tùng
Những loại lót an toàn cho hamster:
- Mùn cưa (dạng vụn hoặc mảnh): Loại này rát phổ biến và bán ở hầu hết shop, bạn nên chọn loại vụn sẽ ít bụi hơn
- Giấy vệ sinh vụn mềm: Đây là lựa chọn thay thế an toàn và không gây hại cho bé, nếu bạn chưa thể mua được lót chuồng.
- Lót túi trà: Đây là mẹo mà bạn có thể dùng để khử mùi hôi cho các bé hams không thích mùi lạ.
- Giấy lót chuồng: Loại này rất dễ kiếm, an toàn và thích hợp cho các bé hamster nhỏ bạn có thể tìm thấy ở mọi cửa hàng.
Bánh xe chạy phù hợp với từng loài hamster
Bạn nên lựa các loại vòng chạy đủ lớn để giúp các bé Hams chạy với lưng thẳng, không bị cong.
- Hamster Lùn: Đường kính 21cm – 30cm.
- Hamster Bear: Đường kính 27cm trở lên.
Hamster trong tự nhiên chạy 9-21km mỗi đêm. Cung cấp wheel chạy kích thước phù hợp rất quan trọng để các bé vận động, giải tỏa năng lượng.
Tại sao kích thước bánh xe chạy lại quan trọng?
Khi bé Hams chạy trong wheel quá nhỏ thường bị tổn thương cột sống hoặc teo cơ do lưng cong không tự nhiên, tương tự như gù ở người.
Dấu hiệu wheel quá nhỏ:
- Lưng hamster bị cong khi chạy.
- Hamster chạy ở bên ngoài wheel.
- Hamster có dấu hiệu hung dữ trong lồng (ví dụ: cắn nan lồng).

Lựa chọn thức ăn cho hamster
Hamster là loài ăn hạt và rất thích các loại hạt, rau củ, trái cây, hạt giống và thỉnh thoảng là côn trùng. Vì thế một chế độ ăn đa dạng thành phần sẽ tốt cho sức khỏe của bé Hams.
Nhiều bạn có thể nghĩ rằng các loại thức ăn trộn bán sẵn ở shop thú cưng là đủ tốt, nhưng bạn cần xem xét kỹ thành phần đó! Mình thấy không ít loại thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết, hoặc có quá nhiều viên nén mà lại ít các loại hạt và ngũ cốc đa dạng khác.
Dinh dưỡng cần thiết:
- Protein – giúp phát triển cơ bắp và duy trì sức khỏe.
- Chất béo – nguồn năng lượng quan trọng.
- Chất xơ – hỗ trợ tiêu hóa và giữ hệ ruột khỏe mạnh.
Chế độ dinh dưỡng theo độ tuổi:
- 0–6 tháng: Protein 19-20%, chất béo 7-8%, chất xơ 8-10%
- 6–18 tháng: Protein 17-18%, chất béo 6-7%, chất xơ 10-12%
- Trên 18 tháng: Protein 15%, chất béo 6-7%, chất xơ 12-15%
Lưu ý: mình thấy không nhất thiết phải bổ sung thêm viên nén nữa, miễn là bạn cung cấp cho bé một chế độ ăn uống phong phú và đa dạng thành phần.
Cát tắm cho hamster
Các bé Hams thường sẽ tự chải chuốt để giữ sạch sẽ. Khác với người hay chó, chúng không cần nước và xà phòng để duy trì bộ lông sạch và khỏe mạnh. Thay vào đó, cát tắm giúp loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn trên lông của bé.
Chuột hamster của bạn cũng có thể dùng cát tắm như một cái khay vệ sinh, điều này hoàn toàn bình thường, bạn chỉ cần dùng xẻng nhỏ sàng bỏ phần cát bị vón cục hoặc bẩn là có thể tái sử dụng cát nhiều lần.
Để đảm bảo vệ sinh, mình thường rây cát hàng ngày để loại bỏ chất thải và thay cát mới hoàn toàn vài ngày một lần, tùy vào mức độ bé sử dụng. Việc này cực kỳ quan trọng để giữ lồng sạch sẽ, giúp Hamster tránh được các vấn đề về da và ký sinh trùng không đáng có.
Các loại không an toàn, có nguy cơ gây bệnh hô hấp:
- Cát nặng mùi thơm: Hamster rất nhạy cảm với các loại cát có thêm hương liệu này, chúng có thể gây kích ứng đường hô hấp của bé.
- Cát bụi cho Chinchilla: Cát tắm dạng bụi được làm từ các hạt cực kỳ mịn, không phù hợp với phổi của hamster.
- Phấn rôm em bé: Talc là một khoáng chất sét mềm, cực kỳ mịn khi ở dạng bột và không phù hợp với phổi của hamster. Nó cũng không giúp “phủi” sạch bụi bẩn và dầu thừa hiệu quả như các hạt cát có độ nhám hơn.

Đá mài răng
Răng của Hamster phát triển liên tục, nếu không được mài mòn, răng có thể mọc quá dài gây khó khăn khi ăn uống. Đá mài răng là vật dụng cần thiết giúp Hamster mài bớt răng, tránh việc chúng gặm nhấm các vật dụng trong chuồng.
Hiện nay có nhiều loại phụ kiện mài răng an toàn với các hương vị khác nhau để kích thích Hamster gặm. Bạn nên đặt viên mài răng ở vị trí dễ tiếp cận trong chuồng để Hamster có thể sử dụng bất cứ lúc nào.
Chén đựng thức ăn
Chén đựng thức ăn là một trong các loại dụng cụ nuôi Hamster không thể thiếu. Khi lựa chọn chén, bạn nên ưu tiên các loại chén làm từ gốm hoặc sứ vì chúng có trọng lượng nặng, khó bị lật đổ. Điều này giúp thức ăn không bị rơi vãi, giữ chuồng luôn sạch sẽ.
Ngoài ra, chén ăn nên có kích thước phù hợp với Hamster, không quá sâu để bé dễ dàng tiếp cận thức ăn. Một số chén còn có thiết kế đáng yêu, giúp chuồng nuôi trở nên sinh động hơn. Việc vệ sinh chén đựng thức ăn thường xuyên là rất quan trọng để đảm bảo thức ăn luôn sạch sẽ và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Bình đựng nước
Bình đựng nước giúp cung cấp nước sạch cho Hamster mỗi ngày. Là một trong những dụng cụ nuôi Hamster quan trọng, bạn nên chọn loại bình có vòi bi để kiểm soát lượng nước chảy ra và tránh làm ướt chuồng. Kích thước bình cần đủ lớn để đảm bảo Hamster không bị thiếu nước trong ngày.
Ngoài ra, hãy kiểm tra và thay nước thường xuyên để đảm bảo nước luôn sạch sẽ. Nếu không có bình nước chuyên dụng, bạn có thể tạm thời cho Hamster uống nước từ chén. Lưu ý, nên gắn bình nước ở vị trí dễ tiếp cận nhưng đủ cao để Hamster không gặm nát bình. Một kệ cắm bình chắc chắn sẽ giúp bảo vệ bình khỏi sự gặm nhấm của Hamster.
Các loại dụng cụ nuôi Hamster khác
Ngoài các vật dụng chính, bạn cũng có thể trang bị thêm các dụng cụ khác để chăm sóc Hamster tốt hơn:
- Túi vận chuyển: Giúp dễ dàng đưa Hamster đi khám bệnh hoặc di chuyển xa.
- Dây dắt hamster: Đảm bảo bé sẽ không đi lạc khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
- Máy đo nhiệt độ và độ ẩm: Giúp theo dõi môi trường sống của Hamster, đặc biệt quan trọng trong mùa hè nóng bức.
- Lược chải lông: Hữu ích cho các giống Hamster lông dài, giúp lông bé không bị rối.
- Nhà ngủ: Một không gian ấm cúng, riêng tư giúp Hamster nghỉ ngơi và cảm thấy an toàn.
Những vật dụng này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của Hamster mà còn giúp bạn chăm sóc bé dễ dàng và thuận tiện hơn.
Để Hamster khỏe mạnh và hạnh phúc, việc trang bị đầy đủ các loại dụng cụ nuôi Hamster là điều không thể bỏ qua. Mỗi vật dụng như chuồng nuôi, cát tắm, đá mài răng hay đồ chơi đều góp phần tạo nên môi trường sống lý tưởng, giúp bé phát triển toàn diện. Hãy chuẩn bị chu đáo để bé yêu luôn vui vẻ! Theo dõi Nuôi Hamster để biết thêm nhiều kiến thức chăm sóc và phụ kiện nuôi khác cho bé!