Răng của chuột hamster nhỏ bé nhưng lại giữ vai trò “trụ cột” trong cuộc sống hàng ngày của bé. Vì vậy cách chăm sóc răng chuột hamster là điều mà người nuôi cần đặc biệt chú ý. Nếu răng quá dài, hamster không thể ăn, không thể gặm nhấm để mài răng và lâu dần có thể dẫn đến nhiễm trùng, suy nhược. Hãy cùng Nuôi Hamster tìm hiểu cách chăm sóc đơn giản nhé!
Cách chăm sóc răng chuột hamster khỏe đẹp
Cung cấp thực phẩm giúp mài răng tự nhiên
Thức ăn cứng chính là công cụ mài răng lý tưởng cho hamster. Ưu tiên sử dụng viên nén chuyên dụng, vừa đủ dinh dưỡng, vừa tạo điều kiện cho răng được mài đều. Bạn có thể bổ sung thêm cà rốt, bông cải, hoặc lát táo nhỏ (loại bỏ hạt) – vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe răng miệng.

Cẩn thận với thức ăn mềm và đồ ăn của người
Các món như trứng luộc, trái cây mềm… tuy bổ dưỡng nhưng không giúp hamster mài răng. Tuyệt đối không cho bé ăn bánh kẹo, đồ chiên rán hay đồ ăn thừa từ bàn ăn – chúng dễ gây sâu răng, béo phì và mất cân bằng tiêu hóa.
Trang bị đồ chơi gặm nhấm trong lồng
Hãy luôn để trong lồng vài món mài răng tự nhiên cành cây đã qua xử lý, hoặc bánh ngũ cốc dành cho hamster. Những món này không chỉ giúp bé tiêu khiển mà còn hỗ trợ mài răng hiệu quả. Tránh dùng vật liệu sơn, nhựa độc hại vì có thể gây hại cho bé.
Đưa hamster đi khám thú y định kỳ hàng năm
Mình thấy dù bạn có chăm sóc bé hamster kỹ lưỡng đến đâu và không thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về răng miệng, việc đưa bé đi khám thú y định kỳ mỗi năm một lần vẫn rất quan trọng.
Một bác sĩ thú y có chuyên môn sẽ có thể đánh giá tổng thể sức khỏe của bé và phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn mà có thể mắt thường chúng ta khó nhận ra. Ví dụ có những bé hamster bị lệch hàm bẩm sinh, khiến chúng không thể tự mài răng được. Lúc ấy bác sĩ thú y sẽ có những biện pháp can thiệp phù hợp để ngăn ngừa tình trạng răng mọc quá dài cho bé

Nhận diện các vấn đề răng miệng ở hamster
Vì răng hamster mọc liên tục, việc bạn nên thường xuyên kiểm tra và nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho bé. Dưới đây là những điều mà mình đã tổng hợp được từ nguồn trang uy tín giúp bạn dễ nắm bắt:
Kiểm tra răng của bé hàng tuần:
Bạn có thể giữ bé cố định một cách thoải mái, rồi nhẹ nhàng kéo phần da gáy của bé ra sau một chút, bé sẽ có phản xạ nhe răng ra. Lúc này, bạn hãy quan sát kỹ răng cửa của bé.
- Răng có chạm nhau không: Răng cửa trên và dưới của hamster khỏe mạnh phải chạm vào nhau một cách đều đặn để chúng có thể tự mài mòn khi gặm nhấm. Nếu bạn thấy răng trên hoặc dưới bị mọc quá dài, chìa ra ngoài và không còn chạm vào răng đối diện, đó là dấu hiệu đáng lo ngại.
- Răng có quá dài không: Ngay cả khi răng vẫn chạm nhau, nếu chúng dài đến mức bé không thể ngậm miệng bình thường hoặc khó khăn khi gắp thức ăn, thì đó cũng là dấu hiệu răng đã quá dài.
- Răng có bị gì không: Bất kỳ dấu hiệu nào như răng bị gãy, mẻ, hoặc mọc xiêu vẹo cũng cần được bác sĩ thú y kiểm tra.

Để ý đến khẩu phần ăn của bé:
Một bé hamster gặp vấn đề về răng thường sẽ ăn ít hơn bình thường. Nếu bạn thấy chén thức ăn của bé bỗng dưng còn đầy ắp sau một thời gian, đó có thể là do răng bị đau hoặc mọc quá dài khiến bé khó nhai.
Tuy nhiên, các bé hamster rất hay có thói quen giấu thức ăn trong lồng nuôi. Vì vậy, khi bạn vệ sinh lồng hàng tuần, hãy để ý xem có nhiều kho dự trữ thức ăn không. Nếu có nhiều thức ăn bị giấu đi mà bé vẫn gầy, đó cũng là dấu hiệu bé không thực sự ăn được.
Quan sát dấu hiệu sụt cân:
Vì hamster có bộ lông khá dày, việc nhận biết bé có bị sụt cân hay không đôi khi hơi khó. Tuy nhiên, khi bạn bế bé lên, bạn có thể cảm nhận được sự thay đổi. Sụt cân thường là dấu hiệu bé không ăn đủ, mà nguyên nhân phổ biến là do các vấn đề về răng.
Mẹo nhỏ của mình: Hãy tập thói quen cân hamster định kỳ khi bé còn khỏe mạnh. Bạn có thể đặt một món ăn vặt bé thích lên cân điện tử, trừ bì, sau đó cho bé trèo lên cân để ăn và đọc số cân nặng. Việc này giúp bạn dễ dàng nhận ra sự thay đổi cân nặng bất thường hơn.

Quan sát tình trạng chảy nước dãi quá nhiều
Nếu miệng bé không khỏe, bé có thể tiết nhiều nước bọt hơn bình thường. Điều này xảy ra do bé không thể ngậm miệng hoặc nuốt đúng cách, hoặc đơn giản là do bé đang bị căng thẳng và đau đớn.
Bạn có thể thấy những vết ố do nước bọt quanh miệng và cằm của bé.
Ngửi mùi hơi thở của bé:
Nếu bạn nghi ngờ bé có vấn đề về răng, mùi hơi thở cũng có thể là một manh mối. Những bé bị nhiễm trùng trong miệng thường có mùi hôi khó chịu, khác với mùi thức ăn hay mùi cơ thể bình thường của bé. Đó thường là một mùi hơi khắm hoặc thối.
Răng chuột hamster dài quá mức phải làm sao?
Khi bé hamster gặp phải các vấn đề về răng miệng như răng mọc quá dài hoặc sai khớp cắn, việc can thiệp đúng cách là vô cùng quan trọng.
Chỉ tự cắt răng cửa nếu bạn đã biết cách và thực sự tự tin
Bạn có thể dùng kềm cắt móng tay loại nhỏ để tỉa bớt răng cửa bị mọc dài, nhưng việc này có thể dẫn đến nứt, gãy răng nếu không thực hiện cẩn thận. Vì rủi ro này, mình khuyến cáo bạn nên trao đổi kỹ với bác sĩ thú y trước khi cố gắng tự cắt răng cho hamster.
Đối với các răng hàm phía sau bị mọc dài, việc này cần dụng cụ chuyên biệt và thường được thực hiện khi hamster đã được gây mê tại phòng khám thú y. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng máy mài răng siêu âm để mài răng của hamster một cách an toàn.
Hãy để bác sĩ thú y cắt răng cho hamster
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát độ dài răng của bé bằng đồ chơi gặm nhấm, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ thú y. Họ sẽ vui lòng cắt tỉa răng cho bé và cho bạn thêm những lời khuyên hữu ích để duy trì sức khỏe răng miệng cho hamster.

Điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan
Nếu bé hamster của bạn bị răng mọc quá dài hoặc các vấn đề răng miệng khác, có thể bé đang gặp phải những vấn đề tiềm ẩn khác, chẳng hạn như nhiễm trùng. Bác sĩ thú y sẽ kê đơn điều trị cho những vấn đề sức khỏe này và việc của bạn là tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị tại nhà.
Trong trường hợp nhiễm trùng do răng mọc dài, bác sĩ thú y có thể sẽ kê đơn kháng sinh cho hamster. Hãy cho bé uống thuốc đúng theo chỉ dẫn nhé.
Dù chỉ là một chiếc răng bé tẹo nhưng lại có thể quyết định cả sức khỏe và hạnh phúc của hamster. Vậy nên bạn hãy đều đặn thực hiện cách chăm sóc răng chuột hamster ở trên, cung cấp đồ gặm phù hợp và không ngần ngại đến bác sĩ thú y nếu cần. Hãy theo dõi Nuôi Hamster thường xuyên để biết thêm nhiều kiến thức nuôi và mẹo hay nhé!