Bị chuột hamster cắn không phải chuyện hiếm, nhất là với những bạn mới nuôi. Vết cắn dù nhỏ nhưng cũng khiến nhiều người lo lắng: liệu có nguy hiểm không, cần xử lý ra sao? Mình cũng từng như thế, lúc đầu có chút hoang mang, rồi sau đó là hàng loạt câu hỏi.
Nếu bạn cũng đang bối rối như vậy, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân hamster cắn, cách phản ứng đúng cách và những lưu ý quan trọng khi xử lý vết thương. Đừng vội hoảng sợ, hãy đọc hết để biết cách xử lý nhẹ nhàng và hợp lý nhất nhé!
Những lý do phổ biến khiến hamster lại cắn bạn
Việc một chú hamster đột nhiên cắn tay có thể khiến bạn hoang mang, nhất là khi bạn không làm gì “gây hấn” với bé cả. Nhưng thật ra, hành vi này không hẳn là do hamster hung dữ hay ghét bạn, mà thường xuất phát từ những nguyên nhân rất… dễ hiểu:
1. Do bị giật mình hoặc hoảng sợ
Hamster là loài động vật nhỏ nhắn và cực kỳ nhạy cảm với âm thanh, chuyển động đột ngột hoặc sự tiếp xúc bất ngờ. Nếu bạn thò tay vào chuồng mà không báo hiệu trước, bé có thể tưởng bạn là “kẻ thù” và phản xạ bằng cách cắn để tự vệ.

2. Do chưa quen mùi hoặc chưa được thuần
Với những bé hamster mới mua về, thời gian đầu còn lạ lẫm, môi trường mới khiến chúng stress. Nếu bạn tiếp xúc quá sớm hoặc quá nhiều khi chưa tạo được sự tin tưởng, việc bị cắn là hoàn toàn có thể xảy ra.
3. Do đang mang bầu hoặc đang bị bệnh
Khi hamster bị đau do chấn thương, bệnh ngoài da hoặc đang nuôi con nhỏ, chúng thường trở nên cáu kỉnh và phòng thủ hơn bình thường. Nếu bạn chạm vào đúng chỗ đau hoặc làm phiền khi chúng cần nghỉ ngơi, bé có thể cắn để đuổi bạn đi.
Nhận biết 8 dấu hiệu mang thai ở Hamster và cách chăm sóc đúng
4. Do bàn tay bạn có mùi thức ăn
Đây là lý do thường gặp nhất mà ít ai để ý. Nếu bạn vừa cầm bánh ngọt, trái cây hoặc thức ăn cho hamster mà không rửa tay sạch, bé sẽ ngửi thấy mùi và nghĩ đó là món ăn – nên cắn để “nếm thử”.
Mình từng bị cắn nhẹ khi quên rửa tay sau khi cầm đồ ăn rồi chạm vào chuồng. Bé tưởng là đồ ăn nên “thử cắn”. Sau lần đó, mình học cách đưa tay từ từ và để bé ngửi trước.
Cách xử lý đúng khi bị chuột hamster cắn
Dù vết cắn từ hamster thường nhỏ và ít nguy hiểm, nhưng nếu không xử lý đúng cách, bạn vẫn có thể gặp rủi ro như nhiễm trùng. Dưới đây là hướng dẫn từng bước để xử lý khi bị cắn – kể cả khi chỉ là vết trầy nhẹ.
1. Bình tĩnh và tránh giật tay đột ngột
Khi bị cắn, phản xạ tự nhiên là giật mạnh tay ra. Tuy nhiên, điều này dễ khiến vết thương rách to hơn hoặc để lại móng răng sâu. Hãy giữ tay yên, thở đều rồi từ từ rút ra sau khi bé nhả ra. Đừng la hét hay đánh bé – hamster cắn không phải vì “ác ý” mà do phản xạ tự vệ.
2. Rửa sạch vết cắn ngay lập tức
Dùng nước sạch và xà phòng rửa kỹ vết thương trong ít nhất 30 giây. Đừng chủ quan nếu chỉ là vết đỏ nhỏ – hamster sống trong lồng, tiếp xúc với chất thải và thức ăn, nên vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập.
Lưu ý: Nếu có dung dịch sát khuẩn như povidine (Betadine), cồn 70 độ hoặc oxy già, bạn nên dùng sau khi rửa tay để sát trùng kỹ hơn.
3. Cầm máu (nếu cần) và theo dõi tình trạng
Nếu chuột hamster cắn gây chảy máu nhẹ, thì bạn nên dùng bông sạch hoặc gạc ép nhẹ vài phút để cầm máu. Sau đó vệ sinh và sát khuẩn vết thương, dùng băng cá nhân nếu vùng tổn thương nằm ở vị trí hay tiếp xúc (như đầu ngón tay, cổ tay…).
Theo dõi vết thương trong 1–2 ngày. Nếu xuất hiện các dấu hiệu sau, bạn cần đến gặp bác sĩ:
- Vết thương sưng tấy, đau nhức, chảy dịch vàng hoặc mủ
- Cơ thể có dấu hiệu sốt, nổi hạch gần vết thương

4. Chuột hamster cắn có bị bệnh dại?
Theo các bác sĩ tại Vinmec, hamster hầu như không mang virus dại. Vì vậy, bạn không cần tiêm phòng dại nếu bị cắn, trừ khi hamster đã bị nhiễm bệnh từ động vật hoang dã khác (trường hợp cực hiếm). Tuy nhiên, nếu bạn bị cắn khi cho bé chơi ngoài sân, từng tiếp xúc với chuột hoang hoặc vật thể bẩn, hãy chủ động tham khảo ý kiến bác sĩ.
Làm thế nào để hamster không cắn bạn nữa
Hamster không phải loài hung dữ, nhưng nếu cắn, đó thường là cách bé phản ứng khi cảm thấy sợ hãi, bị đe dọa hoặc chưa quen với mùi và sự hiện diện của bạn. Vì vậy, để ngăn bé cắn, bạn cần xây dựng lại mối quan hệ từ sự thấu hiểu và kiên nhẫn.
Tập cho hamster làm quen từ từ
Khi mới nuôi hoặc sau một lần bị cắn, bạn nên cho hamster thời gian để làm quen lại với mùi, giọng nói và bàn tay của bạn.
- Hãy đặt tay vào gần chuồng để bé tự đến ngửi
- Có thể nhét một mảnh khăn giấy mang mùi tay bạn vào góc chuồng để bé làm quen.
- Tránh bế bé lên bất ngờ, đặc biệt khi bé đang ngủ hoặc ăn.
“Mình từng bị bé cắn chỉ vì đưa tay vào lồng lúc bé đang gặm hạt. Sau đó, mình bắt đầu chạm nhẹ bên ngoài chuồng mỗi ngày, bé dần quen và không còn phản ứng dữ nữa.”
Không dùng tay không lấy đồ ăn
Bạn nên dùng thìa nhựa hoặc nhíp kẹp thức ăn thay vì tay trần, đặc biệt là các món bé thích như hạt hướng dương hoặc trái cây tươi. Tay bạn có thể còn mùi đồ ăn khác khiến bé nhầm lẫn và cắn thử.
Nếu muốn dùng tay để cho ăn, hãy rửa tay trước đó với xà phòng không mùi hoặc rửa bằng nước ấm và lau khô.
Cảnh giác với hành vi của hamster
Hamster có những biểu hiện cảnh báo trước khi cắn, như:
- Rướn người, lùi về sau hoặc phát ra tiếng rít nhẹ
- Dựng tai lên cao và nhìn chằm chằm
- Gồng cứng người, run nhẹ hoặc gõ răng
Nếu thấy những dấu hiệu này, bạn hãy dừng tương tác và để bé được yên.
Hạn chế hành động gây cho bé sợ hãi
Bạn cần tránh những việc sau:
- Gõ vào lồng quá mạnh hoặc thay đổi nơi ở thường xuyên
- Đánh thức bé dậy để chơi
- Đặt lồng gần nơi ồn ào, nhiều ánh sáng mạnh hoặc gió
Không gian sống ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý hamster. Một bé hams stress sẽ dễ cáu kỉnh và có xu hướng phòng vệ bằng cách cắn.

Tạo thói quen tương tác nhẹ nhàng mỗi ngày
Một vài phút mỗi ngày để bé “gặp” bạn – ngửi tay, nghe giọng nói hoặc được vuốt nhẹ lưng, từ đó sẽ tạo sự tin tưởng lâu dài. Hãy để mọi hành động chăm sóc đều trở nên nhẹ nhàng, có dự báo trước và không mang tính “ép buộc”.
Các câu hỏi thường gặp khi hamster cắn
Hamster cắn có nguy hiểm không?
Thông thường, vết cắn của hamster không quá nghiêm trọng nếu bạn vệ sinh đúng cách. Tuy nhiên, do hamster là loài gặm nhấm, vi khuẩn trong miệng bé có thể gây nhiễm trùng nếu bạn không xử lý kịp thời.
Có cần tiêm phòng nếu bị hamster cắn không?
Nếu hamster nhà bạn được nuôi trong điều kiện sạch sẽ, không tiếp xúc với động vật hoang dã, nguy cơ mắc bệnh dại gần như bằng 0. Tuy nhiên, nếu vết thương sâu hoặc sưng tấy, bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Hamster cắn có phải vì bé hung dữ không?
Không. Hamster cắn là do phản xạ phòng vệ khi cảm thấy bị đe dọa hoặc chưa quen người. Bé không phải loài có tính tấn công nếu được nuôi dưỡng trong môi trường ổn định và được đối xử nhẹ nhàng.
Việc bị hamster cắn đôi khi khiến bạn hoang mang, nhưng đừng quá lo lắng. Hầu hết các tình huống đều có thể xử lý dễ dàng nếu bạn hiểu đúng nguyên nhân và phản ứng đúng cách.
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng ngại theo dõi Nuoihamster để cập nhật thêm nhiều bài bổ ích về kiến thức chăm sóc hamster, cũng như những lưu ý cần tránh khi nuôi.